• Trang chủ
  • Tin tức - sự kiện
  • Tin tức sự kiện
Thứ hai, 15/05/2023 - 11:19

Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH, phát triển kinh tế đất nước. Thể hiện rõ trong Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XI ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bám sát những chủ trương, chính sách của cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 20/1/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025... Ngành KH&CN Bắc Kạn đã tăng cường triển khai, nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả tích cực, vai trò của KH&CN ngày càng được phát huy, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả, thông qua ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng từng bước được đẩy mạnh toàn diện trên các lĩnh vực và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Cụ thể:

Giai đoạn 2012 - 2022, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 128 nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (trong đó có 113 nhiệm vụ cấp tỉnh, 10 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 3 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 2 nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp Quốc gia), tỉ lệ trung bình triển khai 12 nhiệm vụ/năm. Tổ chức nghiệm thu 92 đề tài, dự án, trong đó 12 nhiệm vụ xếp loại “Xuất sắc”; 66 nhiệm vụ xếp loại “Khá”, 14 nhiệm vụ xếp loại “Đạt yêu cầu”; 06 nhiệm vụ dừng triển khai và 30 nhiệm vụ đang triển khai.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp: Tập trung phát triển một số cây trồng đặc sản, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; ứng dụng KH&CN tuyển chọn vật nuôi có giá trị kinh tế gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; thử nghiệm một số cây trồng mới phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng. Một số dự án đã được duy trì, nhân rộng điển hình như dự án: Ứng dụng KH&CN sản xuất lê tại Bắc Kạn: đã xây dựng mô hình sản xuất lê VH6 có hiệu quả theo hướng tập trung hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào tại một số địa phương khó khăn tại huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Dự án: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn. Xây dựng thành công 03 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau trên hệ thống thủy canh bán tuần hoàn, trong nhà mái che cao, trồng trái vụ ngoài đồng ruộng dưới vòm che thấp; hỗ trợ HTX thiết kế, sản xuất bao bì sản phẩm và giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng. Mô hình đã tạo sức lan tỏa, nhiều hộ dân đến học tập và đã mở rộng thêm được hơn 6.000m2 nhà lưới và khoảng 20ha diện tích trồng rau vòm che thấp.

Thành viên hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh kiểm tra mô hình Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn

Dự án: Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGap. Xây dựng được mô hình trồng quýt Bắc Kạn theo hướng VietGap với quy mô 30ha/3 xã thuộc 02 huyện Bạch Thông và Chợ Đồn; xây dựng được mô hình bảo quản quýt Bắc Kạn; xây dựng và hình thành mô hình quản lý, tiêu thụ sản phẩm tại HTX Toàn Thắng, huyện Chợ Đồn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ quýt. Mô hình vẫn đang được người dân áp dụng sản xuất và tiêu thụ hiệu quả tại 02 huyện.

Mô hình sản xuất Quýt theo hướng VietGap tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông

Dự án: Ứng dụng KHCN tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Xây dựng 02 mô hình: mô hình chè Shan theo hướng hữu cơ (năng suất búp tăng tối thiểu 10%, giá bán búp tăng trên 20%, chất lượng búp tăng) và mô hình chè Shan tập trung theo tiêu chuẩn VietGap (năng suất búp tăng tối thiểu 15%, giá bán búp tươi tăng trên 20%), chứng nhận vùng nguyên liệu 10ha chè Shan đạt tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm cho HTX Hồng Hà; hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho HTX để sản xuất 03 sản phẩm chè chất lượng cao là: trà Shan tuyết móc câu, Hồng trà và Bạch trà; xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc, bàn giao cho Hội Nông dân xã Bằng Phúc quản lý; xác định được các tiêu chí và xây dựng bảng chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc; thiết kế logo, bao bì có nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Mô hình chè Shan tập trung theo tiêu chuẩn VietGap tại thôn Nà Hồng, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn

Dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống bố mẹ và chăn nuôi lợn ngoại tập trung tại Bắc Kạn. Xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn sinh sản cấp giống ông, bà quy mô 200 nái và 6 đực giống để sản xuất lợn bố, mẹ với quy mô 400 nái, 20 con đực. Dự án nghiệm thu xếp loại Xuất sắc. Năm 2020, đơn vị chủ trì đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 7.000 con lợn giống bố, mẹ; hơn 9.285 con lợn thương phẩm; đã mở rộng quy mô sản xuất 700 nái bố, mẹ và liên kết mở rộng sản xuất chăn nuôi lợn thương phẩm với khoảng 50 gia trại tại các huyện trên địa bàn tỉnh, hàng tháng dự án cung cấp cho các cơ sở về tinh hàng nghìn con lợn giống để nuôi bán thương phẩm.

Mô hình sản xuất giống bố mẹ và chăn nuôi lợn ngoại tập trung tại Công ty trách nhiệm Nam Huế thành phố Bắc Kạn

Lĩnh vực Y - Dược: Tỉnh đã triển khai các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ mới để chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân như: Điều tra phát hiện 10 loài nấm độc, trong đó xác định được 01 loài nấm độc gây chết người tại tỉnh là nấm độc trắng hình nón; ứng dụng kỹ thuật nội soi trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý và chấn thương bụng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; mô hình quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp; nghiên cứu một số giải pháp can thiệp, quản lý người nhiễm vi rút viêm gan B ở lứa tuổi thanh niên; mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng bằng sổ sức khỏe điện tử…

Ứng dụng kỹ thuật nội soi trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý và chấn thương bụng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn: Triển khai một số đề tài, dự án như: Nghiên cứu và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động làng, tổ phố văn hóa; nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương; nghiên cứu và đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp xã; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người; giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị…

Lĩnh vực kỹ thuật - KH&CN: Đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao thông qua triển khai các đề tài, dự án: Nghiên cứu bảo quản tinh bột dong riềng; thử nghiệm chất thủy hóa vô cơ (HRB) trong xây dựng đường nông thôn; thử nghiệm lò sấy lá theo kiểu Roket Barn (sử dụng nhiên liệu củi kết hợp với than) phù hợp với điều kiện của Bắc Kạn, tiết kiệm nhiên liệu so với lò sấy thông thường (BAT)...

Thử nghiệm lò sấy lá theo kiểu Roket Barn tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn

Giai đoạn 2012-2022, Sở KH&CN đã tổ chức 02 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có gần 30 ý tưởng, dự án tham gia, nhiều ý tưởng đã đạt giải cao; hỗ trợ hơn 150 lượt doanh nghiệp/hộ sản xuất, kinh doanh (có vốn đối ứng) ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000; hệ thống quản lý chất lượng phòng thử nghiệm ISO/IECC17025; hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP, ISO 22000, GMP, VietGAP, hệ thống trách nhiệm xã hội SA8000, môi trường ISO 14000...); 02 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; 02 doanh nghiệp được xác lập quyèn sở hữu trí tuệ; 02 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ; hỗ trợ các hộ dân, sản xuất trong tỉnh triển khai ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc, cải tạo, thu hái, chế biến cho khoảng 850 ha cây trồng...

Trao giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần 2, năm 2021

Sở KH&CN Bắc Kạn định hướng việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Tập trung duy trì và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là hướng tới xuất khẩu. Khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.

Xác định KH&CN là nhiệm vụ quan trọng để phát triển bền vững, ổn định kinh tế, chính trị. Những năm tiếp theo, Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống, trong đó, ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số trong nông nghiệp để chọn, tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, tuần hoàn; hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm sản an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu gắn với Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một số nhiệm vụ, giải pháp đó là: Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò của KH&CN; tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng; tập trung phát triển KH&CN trong nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, chế biến, hỗ trợ các sản phẩm thuộc đề án OCOP…); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế; trong chế biến, sản xuất thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng sinh thái, từng bước tạo được các sản phẩm chủ lực cho từng vùng... Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của KH&CN trong quá trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế./.

Nguyễn Đình Điệp - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn

Từ khóa:
Công khai tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân Công khai tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân Văn bản chỉ đạo điều hành Văn bản chỉ đạo điều hành Lịch công tác Lịch công tác Hồ sơ công việc Hồ sơ công việc Thư điện tử Thư điện tử Nông lịch Nông lịch Hạng mục đầu tư Hạng mục đầu tư Thư viện số Thư viện số Sáng kiến, giải pháp </br>đã công nhận Sáng kiến, giải pháp
đã công nhận
CSDL quốc gia về KHCN CSDL quốc gia về KHCN Quy hoạch, kế hoạch KH&CN dài hạn Quy hoạch, kế hoạch KH&CN dài hạn Khen thưởng - Xử phạt Khen thưởng - Xử phạt Thống kê - Báo cáo Thống kê - Báo cáo Chuyển đổi số Chuyển đổi số

Liên kết website

THÔNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 121
  • Tháng này: 14.286
  • Tổng lượt truy cập: 215.336