Thực trạng phát triển nền tảng số tại Việt Nam
Phát triển kinh tế số không thể thiếu các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số trong khu vực kinh tế chia sẻ, tài chính, thương mại, giao thông vận tải, y tế… Là một nước đi sau nhưng Việt Nam đã và đang trở thành một khu vực năng động và có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút và phát triển các nền tảng số. Bài viết phân tích thực trạng phát triển nền tảng số tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nền tảng số trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cú huých mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế số nói chung và các nền tảng số nói riêng, từ đó tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội. Nếu như khu vực công nghệ thông tin (CNTT) được coi là yếu tố lõi của nền kinh tế số thì sự phát triển kinh tế số không thể thiếu các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số trong khu vực kinh tế chia sẻ, tài chính, thương mại, giao thông vận tải, y tế…
Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau. Nền tảng số hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế số và là tác nhân quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mức độ phát triển các nền tảng số trong sản xuất, thương mại, thanh toán và quản lý kinh tế quyết định mức độ số hoá nền kinh tế, do đó quyết định trình độ phát triển kinh tế số mỗi quốc gia.
Là nước đi sau nhưng Việt Nam đã, đang trở thành một khu vực năng động và có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút và phát triển các nền tảng số. Bên cạnh mạng internet tốc độ cao, giá cước internet thấp là yếu tố thuận lợi cho phát triển nền tảng số tại mỗi quốc gia, đặc biệt đối với những nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam.
Theo dữ liệu khảo sát của Cable.co.uk, tính đến hết tháng 12/2020, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có giá cước dịch vụ internet rẻ nhất thế giới. Trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 6 tại châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về giá cước internet thấp.
Giá cước internet thấp giúp cho tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ internet và các dịch vụ băng thông rộng có sự gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2010 – 2018 tại Việt Nam. Số người sử dụng internet từ 30,65% năm 2010 đã lên tới 70,35% năm 2018, vượt xa các nước trong khu vực Đông Á và các nước thu nhập trung bình thấp.
Về khung pháp lý cho phát triển nền tảng số, Chính phủ Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động kinh tế số như Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Sở hữu trí tuệ (2005) Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Viễn thông (2009), Luật Tần số vô tuyến điện (2009), mới đây nhất là Luật Chuyển giao công nghệ (2018) và Luật an ninh mạng (2018) và một loạt nghị định, quyết định về thương mại điện tử, ngân hàng điện tử và phát triển công nghệ số.
Khung pháp lý sẽ tiếp tục được tăng cường và hoàn thiện hơn nữa cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, tháng 3/2022, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với quyết tâm đẩy mạnh kinh tế số góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Nền tảng số là khu vực quan trọng quyết định quy mô của nền kinh tế số. Phân tích thực trạng phát triển nền tảng số của Việt Nam có thể mang lại một góc nhìn về năng lực kinh tế số của Việt Nam, đem lại những gợi ý chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số thời gian tới.
Thực trạng phát triển các nền tảng số tại Việt Nam
Sự phát triển kinh tế số không thể thiếu các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số trong khu vực kinh tế chia sẻ, tài chính, thương mại, giao thông vận tải, y tế… Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau. Nền tảng số bao gồm: nền tảng giao dịch, nền tảng đổi mới và nền tảng tích hợp.
Cụ thể: (i) Nền tảng giao dịch cung cấp hạ tầng và tài nguyên trực tuyến hỗ trợ giao dịch, trao đổi giữa các bên với mục đích giúp các đại lý tìm đến nhau dễ dàng hơn. Nền tảng giao dịch phổ biến trong lĩnh vực thương mại, tài chính, truyền thông xã hội, kinh tế chia sẻ như Amazon, Airbnb, Momo, Facebook, Whatsapp…; (ii) Nền tảng đổi mới được hình thành từ các khối công nghệ, tạo cơ sở phát triển dịch vụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới. Ví dụ điển hình về nền tảng đổi mới là hệ điều hành di động của Google, Apple..., cho phép các nhà phát triển bên thứ ba xây dựng các ứng dụng trên hệ điều hành; (iii) Nền tảng tích hợp là sự kết hợp các khía cạnh của 2 loại nền tảng trên. Bất kỳ một nền tảng giao dịch nào cũng yêu cầu một nền tảng đổi mới. Hiện nay, nền tảng tích hợp là mô hình phổ biến nhất trong việc phát triển các nền tảng kỹ thuật số trên thế giới.